St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Jun 14th, 2019

SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ HIỆP THÔNG

Lễ Chúa Ba Ngôi Lễ Trọng (Cn 8:22-31; Rm 5:1-5; Ga 16:12-15)

Như chúng ta biết, người Kitô hữu chúng ta được rửa tội “nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19). Trước khi làm việc gì hoặc trước khi bắt đầu cầu nguyện [cử hành phụng vụ], chúng ta đều làm dấu thánh giá để tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo Giáo Huấn của Giáo Hội, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm và quan trọng nhất của niềm tin Kitô Giáo. Giáo Hội dạy rằng: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu. Đây là mầu nhiệm về đời sống nội tại của Thiên Chúa, cội nguồn phát sinh mọi mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy. Đây là giáo huấn căn bản nhất và trọng yếu nhất theo “phẩm trật các chân lý đức tin” (DCG, 43). “Trong lịch sử cứu độ chı̉ là lịch sử vào đường lối và các phương tiện mà Thiên Chúa chân thật và duy nhất là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dùng để tự mặc khải, để giao hòa và kết hợp Người với những ai từ bỏ tội lỗi” ( DCG, 47) (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 234).

Dẫu biết mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là trọng tâm của đức tin và đời sống của mình, nhưng nhiều người Kitô giáo vẫn xem đây là một mầu nhiệm quá xa lạ với đời sống hằng ngày của mình. Nói cách cụ thể, nhiều người xem đây là một mầu nhiệm không có “ăn nhập” gì đến đời sống thường ngày.

Chính thần học gia nổi tiếng Karl Rahner đã thốt lên: “Nếu chúng ta bỏ tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi ra khỏi niềm tin Kitô giáo, đời sống của người Kitô hữu sẽ không có gì thay đổi.” Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội cử hành trọng thể lễ Chúa Ba Ngôi. Đây là dịp thuận tiện để chúng ta xem xét lại mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trước khi để lời Chúa hướng dẫn, chúng ta cần lưu ý rằng:

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn nạn của “toán học” làm thế nào một là ba, ba là một?, nhưng là một mầu nhiệm để chúng ta sống ngày sống của mình trong tương quan với Chúa và tha nhân. Giờ đây, chúng ta để lời Chúa nói với chúng ta về mầu nhiệm trọng tâm này.

Trong bài đọc 1, tác giả Sách Châm Ngôn đưa chúng ta trở về lúc khởi đầu. Lúc này chỉ có “Đức Khôn Ngoan” và “Đức Chúa.” Đức Khôn Ngoan” hiện hữu với Thiên Chúa “từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất” (Cn 8:23). “Đức Khôn Ngoan” luôn hiện diện bên Đức Chúa “như tay thợ cả.

Ngày ngày ta [Đức Khôn Ngoan] là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8:30-31). Qua những lời này, chúng ta nhận ra rằng từ muôn thuở, Thiên Chúa của chúng ta không phải là một “Thiên Chúa cô độc.” Ngài là một “Thiên Chúa hiện diện với”; Ngài là một “Thiên Chúa sống trong sự hiệp thông.” Trong sự hiệp thông của Thiên Chúa, chúng ta tìm thấy “niềm vui” phát xuất từ tình yêu. Đây chính là điểm đầu tiên của mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mà chúng ta thường lãng quên. Chúng ta được tạo dựng “theo hình ảnh và giống Thiên Chúa” (St 1:26-27). Mà Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa cô độc, nên chúng ta cũng không phải là những “hữu thể cô độc.” Chúng ta được mời gọi để sống cho nhau, để mang niềm vui đến cho người khác qua sự hiện diện của mình, như Đức Khôn Ngoan là niềm vui cho Đức Chúa. Trong gia đình, sự hiện diện của chồng là niềm vui cho vợ và ngược lại, con cái là niềm vui cho cha mẹ và cha mẹ là niềm vui cho con cái; trong giáo xứ, cha xứ là niềm vui cho giáo dân và giáo dân là niềm vui cho cha xứ và cho nhau; trong cộng đoàn đời tu, mỗi người. thực sự hiện diện của mình là niềm vui cho anh em hoặc chị em đang chung sống với mình. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta diễn tả đức tin và sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi khi chúng ta hiện diện cho người khác và mời gọi họ bước vào trong con tim mình. Khi chúng ta nói “tôi không cần bạn” hoặc khi chúng ta sống “cô độc” trong thế giới riêng của mình, chúng ta đã làm cho mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên vô nghĩa.

Thánh Phaolô, trong bài đọc 2, trình bày về Đức Giêsu Kitô như Đấng “mạc khải” trọn vẹn mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Qua Đức Giêsu Kitô, chúng ta được nên công chính. Ngài cũng là Đấng đã “mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa” và làm cho chúng ta “tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang với Thiên Chúa” (Rm 5:2). Theo Thánh Phaolô, có hai điều Chúa Giêsu làm chúng ta tự hào: (1) niềm hy vọng được hưởng vinh quang với Thiên Chúa, và (2) khi gặp gian truân. Tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang thì dễ, nhưng tự hào khi gặp gian truân thì rất khó.

Tuy nhiên, Thánh Phaolô đưa ra lý do tại sao chúng ta tự hào khi gian truân đó là chúng ta được đưa vào sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi: Trong gian truân, chúng ta được chia sẻ trong đau khổ của Đức Giêsu Kitô, được Chúa Cha đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Nói cách khác, theo Thánh Phaolô, khi gặp gian truân, chúng ta luôn hy vọng sẽ được giải thoát. Nếu chúng ta đặt niềm hy vọng vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ không phải thất vọng (x. Rm 5:5), vì Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta. Đây là lý do thứ hai làm cho mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trở nên gần gũi với cuộc sống thường ngày của chúng ta. Thật vậy, ai trong chúng ta cũng có những giấc mơ thật đẹp cho tương lai của mình và những người thân. Để đạt được những giấc mơ này, chúng ta phải đối diện với nhiều nỗi gian truân, phải chịu đựng nhiều đau khổ, và phải rơi nhiều nước mắt. Nhưng trong những nỗi gian truân, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, chúng ta không trở nên thất vọng khi nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng mà Chúa Cha đã trao nộp để “đồng hành” với chúng ta qua việc “trở nên giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.” Khi gặp đau khổ, nếu chúng ta nhìn lên Chúa Giêsu trên thánh giá, chúng ta sẽ hiểu và cảm nghiệm được sự “đồng hành” của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bài Tin Mừng hôm nay vẽ lên một bức tranh về mối tương quan trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Một cách cụ thể, trong những lời của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra những khẳng định sau:

(1) Sứ mệnh của Chúa Thánh Thần là tiếp tục sứ mệnh của Chúa Giêsu: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16:12-13);

(2) sứ mệnh của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần đều bắt đầu từ một nguồn, đó là Chúa Cha: “Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, và Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16:13-15).

Trong hai khẳng định trên, Chúa Giêsu nói đến sự “phân biệt” nhưng “không tách biệt” giữa sứ mệnh của Ngài và của Chúa Thánh Thần, và cả hai đều phát xuất từ một nguồn. Điều này ám chỉ đến sự “phân biệt” nhưng không “tách biệt” giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo Hội dạy chúng ta về điều này như sau: “Thiên Chúa duy nhất nhưng không đơn độc” (Fides Damasi:

DS71). “Chúa Cha,” “Chúa Con,” “Chúa Thánh Thần” không đơn thuần là những danh từ chı̉ cách thức hiện hữu của hữu thể Thiên Chúa vı̀ Ba Ngôi thực sự phân biệt với nhau: “Chúa Con không phải là Chúa Cha, và Chúa Cha không phải là Chúa Con, và Chúa Thánh Thần không phải là Chúa Cha hoặc Chúa Con” (Công đồng Tôlêđô XI năm 675: DS 530). Ba Ngôi phân biệt nhau do các mối tương quan và nguồn gồm: “Chúa Cha là Đấng sinh ra, Chúa Con là Đấng được Chúa Cha sinh ra, Chúa Thánh Thần là Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con” (Công đồng Latran IV năm 1215: DS 804) (Sách Giáo Luật của Giáo Hội Công Giáo, số 254). Điều này có nghĩa gì với chúng ta? Điều này mời gọi chúng ta “chân nhận” và “tôn trọng” sự khác biệt của người khác. Cám dỗ lớn nhất trong đời sống thường ngày của gia đình, trong giáo xứ, nơi làm việc, trong trường học là chúng ta bắt người khác suy nghĩ giống mình, làm giống mình. Khi làm như thế, chúng ta đã vô tình huỷ hoại đi nét đẹp riêng mà Thiên Chúa đã ban cho mỗi người để bổ xung cho nhau. Dựa vào nguyên lý “phân biệt chứ không tách biệt” của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, sự khác biệt không phải là “mối đe doạ” làm chúng ta “tách biệt” khỏi nhau, nhưng là những món quà Thiên Chúa ban hầu giúp chúng ta bổ xung cho nhau và từ đó đạt đến sự hiệp nhất [hiệp thông].

Tóm lại, lời Chúa hôm nay trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một “thực tại rất gần gũi với đời sống hằng ngày của con người. Đây là mầu nhiệm của một Thiên Chúa luôn hiện diện cho con người, nhất là trong những khi con người gặp gian truân và thử thách. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta có thể dùng những lời sau của Thánh Vịnh (27:10) để diễn tả về Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa thì còn có Chúa đón nhận con (x. Is 49:15; Gr 31:20).

Lm. Anton Nguyễn Ngọc Dũng SDB

Các Bài Viết Khác: