St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Jun 11th, 2018

CẦU NGUYỆN TRONG GIA ĐÌNH

Trong bài này chúng tôi xin nói về điều được xem như nền tảng hay nói đúng hơn điểm đến của tất cả những phương thế khác trên con đường thánh của bậc vợ chồng. Ðó là sự cầu nguyện. Thiếu sự cầu nguyện thì con đường tu đức của các đôi vợ chồng cũng giống như một toà nhà xây trên cát.

Hai câu hỏi mà chúng tôi muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ một cách thành thật và thấu đáo là: Tại sao phải cầu nguyện ? và Phải cầu nguyện như thế nào ? Trả lời cho hai câu hỏi đó là nói lên tầm quan trọng của sự cầu nguyện trong con đường tu đức dành cho các đôi vợ chồng.

1. Tại sao phải cầu nguyện ?

Ðặt ra câu hỏi ấy không phải là việc thừa thãi nhất là trong xã hội hiện nay. Khuynh hướng của con người thời đại là chỉ làm những gì họ thấy có lợi cho mình cách này hay cách khác. Tôi uống thuốc, bởi vì tôi biết thuốc chữa tôi khỏi bệnh và giúp tôi được khỏe mạnh. Tôi tập thể dục vì tôi biết đó là bí quyết để sống lâu. Tôi quan hệ với một người nào đó vì tôi biết người đó sẽ giúp đỡ tôi. Ðối với sự cầu nguyện cũng thế. Tại sao tôi cầu nguyện ? Sự cầu nguyện có ích gì cho tôi không ? Nếu tôi không cầu nguyện tôi có mất mát gì không ?

Ngày nay, dù chỉ xét dưới khía cạnh tâm lý, người ta cũng thấy rằng cầu nguyện là một nhu cầu thật sự của con người. Cầu nguyện là hơi thở của con người. Thiếu sự cầu nguyện, thiếu sự sống kết hiệp với Thiên Chúa, con người sẽ giống như một thân cây không có nhựa sống. Như tất cả mọi thực tại khác trong đời sống Ðức Tin, sự cầu nguyện không chỉ là một bổn phận mà con người phải thực thi đối với Chúa, nhưng còn là một nhu cầu, một sự cần thiết sống còn của con người trong mọi phương diện.

Trong kinh Tiền Tụng Chung số 4, Giáo Hội đã nói lên sự cần thiết của sự cầu nguyện như sau: "Thật ra, Cha không cần chúng con ca tụng. Nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả. Vì những lời ca tụng của chúng con không thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ cho đến muôn đời". Thật thế trước khi là một bổn phận phải làm, sự cầu nguyện đã là một nhu cầu sinh tử của con người. Có cầu nguyện con người mới sống sung mãn được.

2. Câu hỏi thứ hai mà chúng ta cần nghiêm chỉnh đặt ra là: Phải cầu nguyện như thế nào ?

Một câu hỏi như thế có thừa thãi không, khi đa số trong chúng ta đã có kinh nghiệm về sự cầu nguyện trong gia đình, khi ai trong chúng ta cũng đều thuộc lòng không biết bao nhiêu kinh bổn ?

Nói đến cầu nguyện chúng ta nghĩ ngay đến đọc kinh, nghĩa là đọc một số kinh quen thuộc. Dĩ nhiên đối với một số người việc đọc những lời kinh quen thuộc ấy có thể là một khởi đầu cần thiết. Nhưng chắc chắn đó không phải là cầu nguyện thật sự. Cũng như các Tông đồ của Chúa Giêsu, chúng ta phải thú nhận rằng mình chưa biết cầu nguyện, nhất là cầu nguyện với tư cách là vợ là chồng.

Có nhiều sách hướng dẫn việc cầu nguyện dành riêng cho linh mục, tu sĩ nhưng có lẽ chưa có những tài liệu dành riêng cho những người sống bậc vợ chồng. Kỳ thật, hơn bất cứ con đường tu đức nào, sự thánh hiến trong đời sống vợ chồng đòi hỏi các đôi vợ chồng phải biết cầu nguyện và cầu nguyện nhiều hơn, bởi vì đó là một cuộc sống đòi hỏi nhiều hy sinh và chiến đấu.

3. Ðể thấy được sự cần thiết và tầm quan trọng của sự cầu nguyện trong đời sống vợ chồng, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại sách Tôbia mà Giáo Hội thường trích đọc trong Lễ Hôn Phối.

Trước khi gặp được người chồng đích thực của mình là Tôbia, nàng Sara đã từng có bảy người chồng, nhưng tất cả đều bị giết chết ngay trong đêm tân hôn. Thiên Thần được Chúa sai đến tháp tùng Tôbia con đã cho chàng biết rằng bất hạnh xảy đến cho Sara đều gây nên bởi quỷ dữ tên là Át-mô-đi-ô, kẻ xúi giục vợ chồng kết hợp với nhau chỉ bằng nhục dục mà thôi. Bảy người chồng trước của nàng Sara đã chết bất đắc kỳ tử vì họ đến với nàng bằng ước muốn của xác thịt mà thôi.

Do đó, để tránh cho Tôbia khỏi rơi vào cái chết ấy, Thiên Thần Raphael đã khuyên chàng cùng với người vợ cầu nguyện trước khi kết hợp với nhau, để cuộc kết hợp của họ không chỉ là một cuộc trao đổi trong thân xác mà còn là cuộc gặp gỡ và kết hợp trong yêu thương thật sự. Tôbia và Sara đã hiểu được rằng sự kết hợp của họ cần phải được xây dựng trên nền tảng siêu nhiên.

Chúng ta hãy lắng nghe sự cầu nguyện của hai người trước khi họ kết hợp với nhau: "Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Ðấng đã dựng nên Ađam và Evà vợ ông để trợ giúp và nâng đỡ ông. Chúa đã nói con người ở một mình không tốt, Ta hãy dựng nên một người giống nó. Giờ đây không phải vì sắc dục mà con cưới cô em đây để làm vợ. Nhưng chỉ vì ý ngay lành".

Sách Tôbia thuật lại rằng, sau lời cầu nguyện của Tôbia và Sara, Quỷ Át-mô-đi-ô đã không làm được gì với hai người cho nên đành rút lui. Bí quyết để được hạnh phúc mà Tôbia và Sara đã khám phá ra đó là trước khi kết hợp trong xác thịt họ nên một trong tinh thần và ân sủng của Chúa nhờ lời cầu nguyện.

4. Câu chuyện Tôbia và Sara trên đây cần được các đôi vợ chồng Kitô hữu lấy làm đề tài để tự vấn lương tâm. Sự cầu nguyện có soi sáng và củng cố tình nghĩa vợ chồng không? Họ có nghĩ rằng sự cầu nguyện đích thực có thể cổ võ và cải thiện ngay cả sự kết hợp để nó luôn được phong phú không? Hai người có biết kết hợp Ðức Tin với tình cảm, đời sống thường ngày với đời sống thần linh không? Khi gặp thử thách và bất hòa trong gia đình hai người có nghĩ rằng sự an bình nội tâm của mỗi người và hòa khí trong gia đình đều có thể tìm lại được do sự cầu nguyện không?

Ðể có thể thấy được sự cần thiết của cầu nguyện trong gia đình, chúng tôi chỉ xin ghi lại kết qủa của một cuộc thăm dò mới đây do cơ quan thống kê của Hoa Kỳ thực hiện và được Hội Ðồng Tòa Thánh về gia đình trích dẫn. Theo thống kê này cứ hai cặp vợ chồng không có tôn giáo thì một cặp kết thúc bằng ly dị (50%). Trong khi đó thì cứ ba cặp hôn phối có tôn giáo mới có một cặp ly dị (33%). Thống kê này cũng cho biết rằng trong mười đôi vợ chồng sống đạo nghĩa là tham dự các sinh hoạt tôn giáo đều đặn thì có một đôi ly dị (10%). Nhưng trong một trăm đôi vợ chồng không những sống đạo mà còn cầu nguyện với nhau mỗi ngày, chỉ có một đôi ly dị (1%).

Lm. Huỳnh San (Australia)

Các Bài Viết Khác: