St. Vincent Liem Parish

Lời Quý Cha

  Jan 20th, 2018

Linh đạo giáo dân (phần I)

DẪN NHẬP

Khởi đi từ những mệnh lệnh của Tin Mừng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại?... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không thể nào che dấu được” (Mt 5,13-14), thiết tưởng những Lời này phù hợp với người giáo dân hơn cả; họ là những con người sống giữa lòng trần thế, là muối, là ánh sáng cho đời, là “những nắm men” đang làm cho thế giới dậy men Tin Mừng (x. Mt 13,13). Dưới ánh sáng Công đồng Vatican II, một Công đồng đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, lưu tâm và đề cao vai trò của người giáo dân giữa lòng trần thế, chúng ta phác thảo một nền linh đạo giáo dân.

Trước tiên, chúng ta xác định người giáo dân là ai; kế đến, tìm hiểu vị trí của người giáo dân trong Giáo Hội; và cuối cùng xác định linh đạo giáo dân qua vai trò và sứ mạng của người giáo dân giữa lòng trần thế; đồng thời cũng vạch ra những thách đố và một vài gợi hướng để suy tư.

I. NGƯỜI GIÁO DÂN LÀ AI?

1. Khởi đi từ một cách nhìn tiêu cực

Xưa nay, người giáo dân không được nhìn nhận và đánh giá một cách đúng mức; họ thường được định nghĩa cách tiêu cực: giáo dân là những tín hữu không làm linh mục, không khấn dòng. Hồng y Gasquet, trong quyển “The Layman in the Pre-Reformation Parish” - “Giáo Hội trong thời kỳ tiền cải cách giáo xứ”, đã kể mẩu truyện dí dỏm:

Một Kitô hữu dự tòng hỏi linh mục: “Vai trò của giáo dân trong Giáo Hội như thế nào?” Linh mục trả lời: “Giáo dân có hai vai trò, thứ nhất: quỳ trước bàn thờ; thứ hai: ngồi quay mặt về toà giảng”. Sau đó, Đức Hồng y còn hài hước thêm: người ta còn quên vài trò quan trọng nữa của người giáo dân là đưa tay vào túi móc tiền ra bỏ vào rổ![1]

Quả thực, suốt nhiều thế kỷ, người giáo dân như “một người ở trọ” ngay trong chính nhà của mình! Trong bối cảnh một xã hội “nặng óc gia trưởng”, một Giáo Hội thượng tôn hàng giáo sĩ, thì vai trò người giáo dân thật là mờ nhạt. Trong đời sống đức tin, giáo dân đóng vai trò thụ động, mang tâm trạng được ban phát. Vô tình, đức tin bị tách ra khỏi đời sống xã hội; chỉ có Tin Mừng ở nhà thờ, nơi toà giảng; chứ không thể có Tin Mừng nơi công sở, nơi phố chợ hay sạp cá! Và ngay cả việc nên thánh cũng là đặc quyền của hàng giáo sĩ, giới tu hành; giáo dân hoàn toàn lo việc đời và thuộc về thế gian, muốn nên thánh thì phải rập khuôn theo nếp sống của những bậc tu hành. Một não trạng như thế khá phổ biến nơi phần đồng những tín hữu đơn thành, chân chất.

Thiết tưởng, chúng ta cần vượt qua những quan niệm thiển cận như thế, người giáo dân phải được trả lại vị trí đúng đắn của mình, vì họ có một nền linh đạo, hay một đường hướng nên thánh đặc thù, chứ không phải là một thứ bản sao của hàng giáo sĩ.

Chúng ta tìm hiểu cách nhìn tích cực này về người giáo dân dưới ánh sáng của Công đồng Vatican II.

2. Cách nhìn tích cực về người giáo dân dưới ánh sáng Công đồng Vatican II

Công đồng Vatican II (Hiến chế về Hội Thánh, số 31), định nghĩa người giáo dân cách tích cực: giáo dân là tín hữu sống giữa đời, đặc trưng của giáo dân là trần thế. Tuy nhiên, không ít tác giả phản ứng lại định nghĩa này, vì không chỉ có giáo dân mới sống giữa đời, mà ngay cả giáo sĩ, tu sĩ cũng sống giữa đời (thế giới của họ đâu phải là sa mạc hay cung trăng đâu!). Hơn nữa, phải hiểu thế nào là “giáo dân”, trẻ mới rửa tội đã là giáo dân, hay phải là người tín hữu trưởng thành?...

Theo Cha Hans Urs Von Balthasar, thì không có linh đạo nào đặc trưng của giáo dân cả, họ chỉ là những tín hữu và gắng nên thánh trong những điều kiện sinh sống cụ thể hằng ngày.[2]

Như vậy, người giáo dân là ai? Họ có sứ mạng gì không? Để trả lời câu hỏi “người giáo dân là ai?”, Công đồng Vatican II đã loại bỏ giải pháp dễ dãi của một định nghĩa tiêu cực, mà nhìn nhận vai trò người giáo dân một cách tích cực hơn. Công đồng bày tỏ ý hướng nền tảng của mình qua việc khẳng định rằng người giáo dân hoàn toàn thuộc về Giáo Hội, cũng như thuộc về mầu nhiệm của Giáo Hội; và nét đặc trưng trong ơn gọi của họ có mục đích riêng là “tìm kiếm nước Thiên Chúa bằng cách quản trị các sự việc trần thế và xếp đặt chúng theo thánh ý Thiên Chúa một cách đặc biệt”.[3]

Hiến chế Ánh sáng Muôn dân quảng diễn tư tưởng trên như sau:

Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả giáo hữu không thuộc hàng giáo sĩ và bậc tu trì[4] được Giáo Hội công nhận: nghĩa là những Kitô hữu đã được tháp nhập vào thân thể Chúa Kitô nhờ phép Thanh tẩy, đã trở nên Dân Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mạng của toàn dân Kitô giáo trong Giáo Hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình.[5]

Đức Piô XII, trong diễn từ đọc trước các tân Hồng y (20.2.1946), đã khẳng định:

Các tín hữu, hay chính xác hơn, người giáo dân, có mặt ở hàng ngũ tiên phong trong đời sống Giáo hội; nhờ họ, Giáo Hội trở thành nguyên lý sống động cho xã hội nhân loại. Chính vì thế, họ là những người trước hết phải có một ý thức luôn luôn sáng suốt rằng không những mình thuộc về Giáo Hội, mà còn là chính Giáo Hội, tức là cộng đoàn tín hữu trên trần gian, dưới sự lãnh đạo của một vị thủ lãnh chung, là đức giáo hoàng, và các vị giám mục hiệp thông với ngài. Người giáo dân là Giáo Hội.[6]

Khẳng định trên của Đức Thánh Cha đã gây ý thức và có ảnh hưởng lớn trong Giáo Hội. Về sau, Thượng Hội đồng Giám mục 1987, và Tông huấn Kitô hữu Giáo dân của Đức Gioan Phaolô II cũng đã nhắc lại ý tưởng đó.[7]

Từ một góc nhìn mới mẻ về người giáo dân như thế, chúng ta tìm hiểu về vị trí của họ trong Giáo Hội.

II. VỊ TRÍ CỦA NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI


Trước khi tìm hiểu về vị trí của người giáo dân, thiết tưởng chúng ta cần xác định lại quan điểm thế nào là Giáo Hội; bởi vì đã có không ít những quan điểm phiến diện, lệch lạc. Công đồng cho chúng ta lối nhìn căn bản:

1. Giáo Hội là Dân Thiên Chúa

“Dân Thiên Chúa” là một ý niệm giữ vị trí then chốt trong toàn thể tư tưởng của Hiến chế Ánh sáng Muôn dân. Ý niệm này được xây dựng trên nền tảng lịch sử và Kinh Thánh: từ một dân tộc được Chúa chọn làm Dân riêng, đến một Giáo Hội lữ hành tiến về quê trời như Dân riêng tiến về đất hứa. Giáo Hội chính là một Dân mới có tính phổ quát và hoàn hảo hơn, đó cũng chính là Dân Chúa chọn để làm nên một “dân tư tế, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1 Pr 2,9).

Hạn từ “Dân Thiên Chúa” gợi lên cho chúng ta cách nhìn xuyên suốt, liên tục trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Giáo Hội là Israel mới, là dân cánh chung; và mọi người luôn được mời gọi gia nhập dân này qua Bí tích Thánh Tẩy, và được mang một danh xưng đặc biệt: người Kitô hữu.

“Dân Thiên Chúa” cũng là một hạn từ có khả năng diễn tả sống động hình ảnh cụ thể của Giáo Hội, hình ảnh một đoàn dân quy tụ.[8] Cách nhìn này cho thấy sự bình đẳng của mọi người tín hữu, đánh đổ một lối nhìn về Giáo Hội theo lối hình chóp; hoăc lối nhìn chỉ thấy Giáo Hội là hàng giáo phẩm.

Ngoài hình ảnh sống động Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội còn được diễn tả là Nhiệm thể Chúa Kitô;[9] trong nhiệm thể này, các chi thể đều bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Từ nền tảng hai ý niệm quan trọng này về Giáo hội, chúng ta tìm hiểu vị trí của người giáo dân trong Giáo Hội.

2. Vị trí căn bản của người giáo dân trong Giáo Hội

Sau Công đồng Vatican II, một Thượng Hội đồng Giám mục đã nhóm họp vào tháng 10-1987 để bàn về ơn gọi và sứ mạng người giáo dân trong Giáo Hội và thế giới; thành quả được đúc kết trong Tông huấn Christi deles Laici, do Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 31-12-1988. Trong văn kiện, chân dung người tín hữu giáo dân được diễn tả qua vị trí của họ trong Giáo Hội nhìn từ 3 chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.[10]

- Chiều kích mầu nhiệm: Người giáo dân được hưởng trọn vẹn phẩm giá của Kitô hữu, nghĩa là con cái của Thiên Chúa, thân thể của Đức Kitô, đền thờ của Chúa Thánh Thần (số 11-13). Họ được thông dự vào ba chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Đức Kitô (số 14)[11], vì là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nên người giáo dân được mời gọi nên thánh bằng cách phát triển những hoa trái của Thánh Linh (số 16).[12]

- Chiều kích hiệp thông: người giáo dân được lãnh những đặc sủng khác nhau, tất cả những đặc sủng này đều nhằm mưu ích cho cộng đoàn, xây dựng, duy trì những mối dây liên kết với những phần tử khác trong các cấp độ cộng đoàn khác nhau (giáo họ, giáo xứ, giáo phận, Giáo Hội hoàn vũ).[13]

- Chiều kích sứ vụ: người giáo dân tham gia vào sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới, đặc biệt nơi những môi trường mà Tin Mừng chưa thấm nhập: những môi trường ngoài Kitô giáo; những môi trường phản kháng, chống đối Kitô giáo...[14]

Liên kết 3 chiều kích trên, ta thấy người giáo dân có một vị trí đặc biệt trong Giáo Hội, người giáo dân là chính Giáo Hội,[15] là Dân Thiên Chúa, là Thân thể Mầu nhiệm Chúa Kitô, họ bình đẳng với mọi thành phần khác về vị trí và giá trị như bất cứ thành phần nào trong Thân Thể Huyền Nhiệm.

Lm. Giuse Phạm Quốc Văn O.P.

Các Bài Viết Khác: